Ấp Kangaroo cho trẻ sinh non đến khi nào là thắc mắc chung của rất nhiều mẹ sau sinh. Không chỉ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự ổn định sinh lý, hỗ trợ sự phát triển não bộ và thể chất ở trẻ sơ sinh, tiếp xúc da kề da còn giúp gia tăng sự gắn kết, yêu thương giữa cha mẹ và em bé. Cùng đi tìm lời giải đáp cho thắc mắc ấp Kangaroo cho trẻ sinh non bao lâu và cần lưu ý những gì khi thực hiện qua bài viết.
Những lợi ích khi ấp Kangaroo cho trẻ sinh non
Chăm sóc theo phương pháp kangaroo có nhiều lợi ích, đặc biệt là đối với trẻ sinh non hoặc nhẹ cân. Nghiên cứu cho thấy phương pháp chăm sóc theo phương pháp Kangaroo có thể giúp: (1)
- Giúp trẻ thích nghi tốt hơn với môi trường bên ngoài tử cung: Vì da của mẹ có cùng nhiệt độ với tử cung, nên trẻ sơ sinh sẽ dễ dàng thích nghi hơn với môi trường khi được tiếp xúc da kề da với mẹ ngay sau sinh, bé cảm thấy thoải mái trong môi trường quen thuộc và được mẹ vuốt ve âu yếm. Da của mẹ, đặc biệt là vùng ngực mang lại sự ấm áp giúp ổn định thân nhiệt cho bé, đây là một vấn đề rất quan trọng ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non.
- Phát triển tinh thần được thúc đẩy: Theo nghiên cứu cho thấy trẻ sinh non được chăm sóc theo phương pháp Kangaroo có chức năng não tốt hơn khi 15 tuổi – tương đương với trẻ vị thành niên sinh đủ tháng – so với những trẻ được đặt trong lồng ấp. Tiếp xúc da kề da giúp kích thích hoạt động của nhiều giác quan như xúc giác (cảm nhận làn da, thân nhiệt của mẹ), thính giác (lắng nghe nhịp tim, giọng nói âu yếm của mẹ), khứu giác (ngửi mùi cơ thể quen thuộc của mẹ, mùi của sữa), vị giác (vị của sữa từ bầu ngực của mẹ), thúc đẩy sự hình thành và phát triển các đường dẫn truyền thần kinh, phản xạ cần thiết cho sự trưởng thành của não bộ. Bằng cách ổn định nhịp tim, oxy hóa máu và cải thiện giấc ngủ khi tiếp xúc da kề da, não bộ có khả năng phát triển tốt hơn.
- Thúc đẩy tăng cân đều đặn: Tiếp xúc da kề da giúp kích thích các dây thần kinh phế vị, kích thích nhu động ruột, làm tăng kích thước các vi nhung mao trong ruột, góp phần tạo ra một hệ tiêu hóa ổn định và khỏe mạnh làm tăng cơ hội hấp thu các chất dinh dưỡng. Điều này giúp trẻ giảm sụt cân sinh lý, nhanh chóng lấy lại cân nặng lúc sinh và tăng cân đều đặn. Tiếp xúc da kề da cũng giúp trẻ giữ ấm, giảm tiêu thụ mỡ nâu, đường máu cho việc ổn định thân nhiệt, từ đó giúp hỗ trợ quá trình tăng cân cho bé. Thêm vào đó, da kề da giúp trẻ sơ sinh có cơ hội được bú sữa mẹ nhiều hơn và nhận được nhiều lợi ích từ sữa mẹ.
- Ổn định nhịp tim, nhịp thở của bé: Trẻ sơ sinh bị suy hô hấp và được chăm sóc theo phương pháp Kangaroo có nhiều khả năng được cải thiện trong vòng 48 giờ mà không cần máy thở. Việc lồng ngực của mẹ nâng lên hạ xuống theo nhịp thở sẽ giúp kích thích nhịp thở của trẻ đều đặn hơn, giảm các cơn ngừng thở, đặc biệt ở trẻ đẻ non. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhịp tim của trẻ sơ sinh được chăm sóc theo phương pháp Kangaroo đều, ổn định hơn so với trẻ không được chăm sóc theo phương pháp này.
- Cải thiện khả năng miễn dịch: Tiếp xúc da kề da giúp bé nhận các vi khuẩn có lợi trên da mẹ, đồng thời việc bú sữa mẹ sớm giúp trẻ nhận được nhiều kháng thể hơn, giúp tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ, đây là một lợi ích đặc biệt quan trọng với trẻ sinh non. Trẻ sinh non có hệ thống miễn dịch kém nên dễ bị dị ứng, nhiễm trùng, các vấn đề về ăn uống. Tiếp xúc da kề da sớm giúp giảm đáng kể các vấn đề này.
- Tăng nguồn cung cấp sữa: Khi mẹ và em bé cùng nhau tiếp xúc da kề da, các hormone điều chỉnh quá trình tiết sữa sẽ cân bằng, giúp mẹ sản xuất nhiều sữa hơn.
- Giảm căng thẳng và đau đớn cho thai nhi: Chỉ cần 10 phút tiếp xúc da kề da sẽ làm giảm nồng độ hormone căng thẳng cortisol ở trẻ sơ sinh và tăng nồng độ hormone oxytocin, kích thích hệ thần kinh phó giao cảm giúp trẻ cảm thấy bình tĩnh và an toàn. Theo nghiên cứu khi trẻ sinh non được bế áp sát ngực, trẻ ít phản ứng hơn với các vết chích ở gót chân khi lấy máu, một nguồn gây đau phổ biến ở trẻ sinh non.
- Giấc ngủ ngon hơn cho bé: Ít căng thẳng hơn đồng nghĩa với giấc ngủ ngon hơn. Trẻ sinh non được ôm da kề da thường ngủ sâu hơn và ít thức giấc hơn so với những trẻ ngủ trong lồng ấp.
- Tạo sự gắn kết: Điều quan trọng là tiếp xúc da kề da có thể được thực hiện với cha mẹ thuộc bất kỳ giới tính nào và không nhất thiết chỉ là cha mẹ cho con bú. Tiếp xúc da kề da giúp trẻ bình tĩnh và giúp gắn kết với cha mẹ hơn.
- Phòng ngừa trầm cảm sau sinh: Nhiều nghiên cứu cho thấy phương pháp kangaroo làm giảm khả năng mắc chứng trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Hoạt động ở trục tuyến thượng thận của phụ nữ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc sinh nở và tiếp xúc da kề da có thể kích hoạt lại để giảm thiểu nguy cơ mắc chứng trầm cảm. Thêm vào đó, oxytocin được giải phóng từ việc tiếp xúc da kề da làm giảm sự lo lắng của người mẹ và thúc đẩy sự gắn bó, từ đó cũng góp phần giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh.

Ấp Kangaroo cho trẻ sinh non đến khi nào?
Thời gian thực hiện phương pháp ấpKangaroo cho trẻ sinh non còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và sự phát triển của bé. Phương pháp này có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, tùy vào từng trường hợp cụ thể.
1. Thời gian tối thiểu nên thực hiện ấp Kangaroo
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa chăm sóc Kangaroo là tiếp xúc da kề da giữa mẹ và bé cùng với việc cho con bú hoàn toàn. Tiếp xúc này nên bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi sinh và trong thời gian càng dài càng tốt. Theo sự khuyến nghị của WHO, thời gian lý tưởng nhất để cha mẹ tiếp xúc da kề da với trẻ là từ tám đến 24 giờ mỗi ngày. Những khuyến nghị này áp dụng cho tất cả trẻ sinh non hoặc nhẹ cân. (2)
2. Khi nào có thể ngừng ấp Kangaroo?
Phương pháp da kề da luôn có lợi, Kangaroo cũng có thể được coi như là một giải pháp thay thế cho lồng ấp, đặc biệt là đối với trẻ sinh non có cân nặng khi sinh thấp và không thể tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia y tế, phương pháp Kangaroo cần được áp dụng trong suốt hai giờ đầu tiên ngay sau khi trẻ được sinh ra và phương pháp da kề da này được thực hiện càng nhiều càng tốt. Đặc biệt là ở những trẻ sinh non nên được chăm sóc theo phương pháp Kangaroo thường xuyên trong hơn 20 tuần đầu đời.
3. Khi nào cần kéo dài thời gian ấp Kangaroo?
Thời gian tiếp xúc da kề da giữa mẹ và bé cần kéo dài càng lâu càng tốt, đặc biệt là khi mẹ không thể ở cùng trẻ 24/24. Phương pháp tiếp xúc da kề da với mẹ bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi những tác động tiêu cực đã được ghi nhận rõ ràng của việc tách biệt, hỗ trợ sự phát triển não bộ tối ưu và tạo điều kiện cho sự gắn bó, thúc đẩy khả năng tự điều chỉnh của trẻ theo thời gian. Kangaroo giúp trẻ sơ sinh và cha mẹ có thể phát triển mối quan hệ gần gũi và yêu thương.

Cách thực hiện phương pháp Kangaroo
Khi em bé tiếp xúc da kề da với cha mẹ theo phương pháp Kangaroo, bé có thể nghe thấy nhịp tim và giọng nói, cảm nhận hơi thở, ngửi và cảm nhận làn da của cha mẹ. Việc tiếp xúc da kề da sẽ mang lại sự thoải mái cho cả bé và cha mẹ. Các bước thực hiện phương pháp Kangaroo bao gồm:
- Mặc quần áo thoải mái: Không có hướng dẫn nghiêm ngặt nào về việc nên mặc gì. Nhưng cha mẹ nên mặc những bộ đồ thoải mái để có thể dễ dàng cởi ra và đặt em bé lên ngực. Đối với phụ nữ khi tiếp xúc da kề da với trẻ cũng cần cởi bỏ áo ngực.
- Đặt trẻ nằm trên ngực: Trẻ phải ở tư thế thẳng đứng với đầu tựa sang một bên vào ngực của cha mẹ. Trẻ thường chỉ cần mặc tã và đội mũ.
- Đắp chăn cho bé: Khi cha mẹ và trẻ đã tiếp xúc da kề da, hãy đắp chăn lên lưng bé. Giữ ấm và thoải mái cho trẻ khi trẻ nằm gọn trong ngực.
- Thư giãn: Trong suốt quá trình thực hiện phương pháp Kangaroo, cha mẹ nên thả lỏng người ở tư thế thoải mái nhất để nghỉ ngơi, thư giãn cùng trẻ. hãy cố gắng thư giãn khi bạn bế em bé. Nhớ hít thở bình thường. Trong quá trình thực hiện không nên tạo sự chú ý khiến trẻ mất tập trung, cần để trẻ yên tĩnh và ngủ.
Kế hoạch thực hiện da kề da với trẻ nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế để quá trình diễn ra thuận lợi và hiệu quả.
Những lưu ý khi ấp Kangaroo
Để việc chăm sóc trẻ sinh non theo phương pháp Kangaroo an toàn và thoải mái cho trẻ, cha mẹ nên:
- Cất điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác, để cách xa em bé. Những thứ này có thể khiến cha mẹ mất tập trung vào em bé. Tập trung vào em bé rất quan trọng để gắn kết và cũng để giữ an toàn cho em bé khi tiếp xúc.
- Cha mẹ cần đảm bảo da luôn sạch và khỏe mạnh: Không nên thực hiện phương pháp Kangaroo nếu cha mẹ đang bị phát ban, có vết cắt hở hoặc vết loét lạnh. Làm sạch da trước và không sử dụng bất kỳ loại nước hoa hoặc kem dưỡng da nào khi thực hiện phương pháp da kề da.
- Không hút thuốc: Trong quá trình trong sóc trẻ cũng như khi thực hiện phương pháp Kangaroo, cha mẹ không sử dụng thuốc lá. Khói thuốc lá có thể gây ra nhiều hệ lụy gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho cha mẹ và bé.
- Không thực hiện Kangaroo nếu cha mẹ bị bệnh: Hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện cho đến khi bé được hai đến ba tháng tuổi. Vì vậy, trong những tuần đầu này, điều quan trọng là phải hạn chế việc bé tiếp xúc với vi khuẩn. Nếu cha hoặc mẹ bị bệnh, thì có thể cho con thực hiện với người còn lại khỏe mạnh. Hoặc có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc đeo khẩu trang khi thực hiện phương pháp Kangaroo.

Nếu có thêm những thắc mắc liên quan đến ấp Kangaroo cho trẻ sinh non đến khi nào hoặc gặp phải khó khăn khi thực hiện, cần được trợ giúp có thể liên hệ đến BVĐK Tâm Anh theo phương thức:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – Quận 8:
- 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
- Website: https://tamanhhospital.vn
Bên trên là những thông tin giải đáp cho thắc mắc ấp Kangaroo cho trẻ sinh non đến khi nào? Qua đây có thể thấy phương pháp ấp Kangaroo mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non, nhẹ cân. Phương pháp ấp Kangaroo giúp hỗ trợ sức khỏe thể chất của trẻ, đồng thời cũng nuôi dưỡng sự gắn kết yêu thương giữa mẹ và trẻ.